Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, NSƯT Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho biết, năm qua, số lượng tác giả uỷ quyền cho trung tâm thu tác quyền âm nhạc tăng thêm 729 tác giả. Tổng số tác giả hội viên uỷ quyền tại VCPMC đến nay là 6.511 tác giả (số liệu tính đến ngày 31/12/2024).
Trung tâm cũng tăng cường hỗ trợ, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các tác giả tránh rủi ro làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích khi có giao dịch chuyển giao quyền; Tuyên truyền, thông tin đến hội viên các trường hợp gặp phải rủi ro pháp lý, mất quyền, mất tác phẩm do ký chuyển giao nhưng không xem kỹ điều khoản hợp đồng, không lưu giữ hợp đồng, danh sách tác phẩm để đối chiếu, kiểm tra lại khi cần thiết; Hỗ trợ hướng dẫn các hồ sơ ủy quyền có yếu tố thừa kế; Thăm hỏi, giúp đỡ các tác giả ốm đau, bệnh tật, các tác giả có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.
Ông Cẩn cho biết, từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2024, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc VCPMC đã thu (chưa tính thuế VAT) là 393.063.879.166 đồng (393 tỷ), tăng 14,2% so với năm 2023.
VCPMC thực hiện 4 kỳ phân phối mỗi năm, kể cả trong nước và quốc tế, theo quy tắc phân phối của CISAC (Liên đoàn quốc tế các hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc), sử dụng phần mềm lưu trữ và phân phối quốc tế để thực hiện nhập liệu và phân chia tiền bản quyền. Sau khi hoàn tất dữ liệu phân phối của mỗi quý, VCPMC tiến hành chi trả bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong tháng đầu tiên của quý liền kề.
Trong năm 2024, VCPMC đã thực hiện các kỳ phân phối, chi trả đến chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền là 256.871.238.874 đồng.
Dự kiến số tiền phân phối của Quý IV/2024 sẽ được chi trả đến các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong tháng 1/2025 khoảng 94 tỷ đồng.
Ông Cẩn cũng khẳng định, đối với các hợp đồng chưa đủ điều kiện phân phối (hợp đồng chưa hết hạn hoặc chờ bổ sung danh sách, hợp đồng đã xuất hóa đơn nhưng chưa thanh toán tiền hoặc thanh toán chưa đủ, hợp đồng đã thu tiền nhưng đơn vị sử dụng chưa kê khai danh sách bài hát sử dụng…) sẽ tiếp tục được đối soát, phân phối vào kỳ tiếp theo.
Dù rất cố gắng thu tác quyền âm nhạc để đảm bảo quyền lợi cho các nhạc sĩ, chủ sở hữu tác phẩm, song ông Cẩn cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cấp phép sử dụng quyền, bảo vệ quyền ở lĩnh vực biểu diễn, do tình trạng xâm phạm quyền ở lĩnh vực tổ chức biểu diễn vẫn diễn ra phức tạp, bao gồm các show trong nước và các show quốc tế. Nhiều đơn vị còn thiếu ý thức tự giác, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền, tìm mọi cách gây khó khăn, né tránh thực hiện nghĩa vụ.
"Hiện nay hàng loạt chương trình vi phạm bản quyền đang trong quá trình xử lý xâm phạm theo thủ tục tố tụng, điển hình một số trường hợp như Mây Lang Thang (trên 300 chương trình vi phạm), Lululola (trên 200 chương trình vi phạm), iME (chương trình Hàn Quốc 2024 Chanyeol Live Tour)...", ông Cẩn cho biết.
Thúc đẩy ngành công nghiệp bản quyền
Tại hội nghị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của bản quyền đối với văn hóa và đánh giá cao nỗ lực của tập thể VCPMC. Ông Sơn cho biết, nhiều nước coi bản quyền là một ngành công nghiệp và mong Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp bản quyền.
"Nên tập trung phát triển bản quyền và bắt đầu từ đó để phát triển văn hóa, bảo vệ điều cần thiết bởi tài năng sáng tạo là yếu tố quan trọng để tiếp tục tiến trình phát triển công nghiệp văn hoá. Tôn trọng bản quyền tức là tôn trọng công sức sáng tạo của nghệ sĩ. Bảo vệ bản quyền giúp nghệ sĩ có cuộc sống tốt hơn và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nghệ thuật. Mục tiêu phát triển nền nghệ thuật chuyên nghiệp là lấy nghệ sĩ làm trung tâm", ông Sơn nhấn mạnh.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thu-gan-400-ty-tien-tac-quyen-am-nhac-trong-nam-2024-2361291.html