Ca sĩ Ngọc Anh 3A vừa ra mắt MV đầu tiên Rộn ràng xuân đến, ca khúc do cô sáng tác. MV tái hiện không khí rộn ràng của làng quê và niềm vui đoàn tụ gia đình của những người con đi làm xa xứ, được về nhà dịp Tết.
Với Ngọc Anh, năm tháng ở nơi đất khách quê người lòng cô luôn canh cánh nhớ về quê hương. Tình làng nghĩa xóm, tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của các thành viên trong gia đình, dòng họ là điểm tựa tinh thần, cũng là điều cô luôn nhớ về và tự hào.
Ca sĩ Ngọc Anh cho biết khi phát hiện sức khoẻ của bố mình - NSND Hoàng Khiềm, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam bắt đầu yếu dần cô rủ em trai - ca sĩ - nhạc sĩ Anh Khang phải làm gì đó để gia đình, họ hàng thật vui trong dịp Tết.
Ngọc Anh và em trai cùng nhau xây dựng ý tưởng cho MV, mời gia đình cùng tham gia. Em trai cô đảm nhận thể hiện phần rap theo ý tưởng của nữ ca sĩ, trong khi bố cô thể hiện câu đối do ông tự viết, đồng thời đảm nhận một vai tái hiện hình ảnh những vị anh hùng dân tộc như đang dõi theo những bước chân của con cháu.
MV do Đỗ Thành Đạt làm đạo diễn hình với sự tham gia của gần 100 diễn viên, nhân lực của Nhà hát Tuồng Việt Nam, nơi đã cho Ngọc Anh thấm đẫm nghệ thuật truyền thống, nơi có bố, chú thím ruột là NSND Minh Gái và Hoàng Long từng cống hiến nghệ thuật tuồng cho thế hệ sau.
Bối cảnh của MV Rộn ràng xuân đến là ngôi làng Tràng An, quê nội của nữ ca sĩ. Ngọc Anh cho biết khi đặt vấn đề quay MV, cả làng đều rất ủng hộ. Ngày bấm máy, cả làng như mở hội và nhiều người nói với cô rằng đó là kỷ niệm khó quên trong đời.
Ngọc Anh tâm sự, chồng cô - doanh nhân John Gallander người Mỹ khi xem MV đã rất xúc động: "Chồng tôi xem đi xem lại 20 lần và khóc nhiều. Có thể MV chưa hoàn hảo, nhưng tôi vui và hạnh phúc vì cả gia đình đã thể hiện tình yêu thương với nhau, với quê hương Việt Nam. Trong MV, tôi tôn vinh hai nghề là giáo viên và công nhân''.
Tại lễ ra mắt, NSND Hoàng Khiềm xúc động nói rằng Ngọc Anh chịu ảnh hưởng trong cách hát của nghệ thuật tuồng. ''Tham gia MV của con gái, với tôi là cái duyên và hy vọng sản phẩm âm nhạc sẽ tạo ra hiệu ứng nhất định, kéo dài mạch nguồn văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác" - NSND Hoàng Khiềm nói.