Khoe nốt cao bằng mọi giá
Mới đây, ca sĩ Cao Thái Sơn tổ chức buổi ra mắt MV Lệ phí cuộc đời. Sự kiện kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ vì bao gồm một số hoạt động được cho là nhằm lăng-xê khả năng hát nốt cao của nam ca sĩ.
Cụ thể, MC mời một số ca sĩ như Nguyễn Đình Vũ, Bảo Yến Rosie, Đức Toàn... lên thực hiện thử thách hát nốt cao nhất trong âm vực.
Sau khi các đồng nghiệp đo quãng giọng chán chê, Cao Thái Sơn mới xuất hiện giới thiệu sản phẩm và tiếp tục chuyển đề tài sang đo nốt cao với piano. Anh thể hiện lần lượt Rê quãng 6, Mi quãng 6 rồi dừng ở Fa quãng 6.
Để "bảo chứng" cho màn đo nốt cao, ca sĩ còn mời những chuyên gia đến sự kiện. Nguyên Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Huế - PGS.TS Trương Ngọc Thắng cho rằng việc Cao Thái Sơn hát được nốt F6 "rất khâm phục và đáng khen". Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương nói nốt này hiếm thấy ngay cả với giọng nữ còn giáo viên thanh nhạc Trung Nhật Vocal nhận xét quãng giọng Cao Thái Sơn "cao nổi bật trong số những nam ca sĩ hát pop ở Việt Nam hiện nay".
Sau đó, ê-kíp của anh cũng phát đi thông tin đến các đơn vị báo chí, truyền thông về khả năng hát nốt cao này cùng những lời bay bổng.
Trước đó, khoảng đầu năm đến nay, Cao Thái Sơn liên tục khoe nốt cao từ các chương trình biểu diễn đến mạng xã hội, bất chấp bối cảnh sân khấu hoặc thể loại bài hát mình thể hiện.
Nốt cao của Cao Thái Sơn thế nào?
Về phương diện thanh nhạc, chất lượng các nốt cao ở quãng 6 của Cao Thái Sơn không ổn định.
Trên sân khấu Lễ trao giải Làn sóng xanh 2023, Cao Thái Sơn từng phiêu kết bài bằng một nốt Mi quãng 6 ở mức chấp nhận được. Phần phiêu bằng giọng óc (headvoice) yếu và phô nhưng giúp anh lấy đà khá tốt để hát nốt Mi quãng 6 bằng giọng sáo (whistle). Một số clip ca sĩ tập hát trong phòng thu, các nốt sáo này ổn định hơn.
Tuy nhiên, ở sự kiện ngày 19/6, Cao Thái Sơn hát hỏng phần nhiều nốt. Một chuyên gia về thanh nhạc xin giấu tên nói với VietNamNet, từ những nốt đầu tiên ở quãng 6 đã không đạt, không được hỗ trợ (support) bởi những phần cơ khác của cơ thể.
Phong độ không tốt, anh càng hát, các nốt nhạc càng căng, xấu. Đỉnh điểm, sau nốt Fa quãng 6 bị flat - giáng thấp so với cao độ yêu cầu, ca sĩ vẫn cố gắng hát tiếp nốt Sol bằng cách scream (hét) thay vì hit (từ chỉ việc hát được nốt cao đạt tiêu chuẩn bằng kỹ thuật) khiến các nốt này hoàn toàn hỏng. Do đuối sức, Cao Thái Sơn không thể giữ nổi nốt nhạc dù chỉ 1 giây.
Đồng quan điểm, giáo viên thanh nhạc Thái Duy Đỉnh cho rằng Cao Thái Sơn chịu nhiều áp lực của buổi họp báo cộng với việc liên tục bắn nốt cao khiến cơ thể chưa kịp thư giãn, hồi phục nên những nốt sau đều bị flat. Dù vậy, theo anh, nam ca sĩ "có thể làm tốt hơn trong điều kiện thuận lợi".
Không nên lạm dụng trưng trổ
Từ những ngày đầu gia nhập showbiz đến nay, Cao Thái Sơn chưa từng bị chê giọng hát. So với những đồng nghiệp cùng phân khúc, anh được đánh giá khá cao về thực lực.
Thực tế, việc một giọng nam trung - cao (tenor 2) có thể hát nốt nhạc ở quãng 6 đủ gây ấn tượng, trường hợp hát hỏng cũng không đáng để bàn tán. Thậm chí, việc một ca sĩ có ý thức tập luyện, cải thiện chuyên môn nghề nghiệp rất đáng khen và khích lệ.
Tuy nhiên, Cao Thái Sơn sa đà vào lạm dụng trưng trổ nốt cao và chiến lược quảng bá rầm rộ.
Trào lưu ca sĩ khoe khả năng hát nốt cao đã trôi qua gần 10 năm. Ở thời đại nghệ sĩ và khán giả thế hệ Z chiếm trọng tâm, âm nhạc có xu hướng quay về thiên chức nguyên thủy là phục vụ cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn người nghe.
Việc một ca sĩ cố trưng trổ nốt cao trở nên lạc lõng. Càng cố quảng bá, lăng-xê càng dễ gây tác dụng ngược.
Quan trọng không kém, Cao Thái Sơn xác định sai giá trị cốt lõi kéo theo hoạt động quảng bá sai. Dù được công nhận về thực lực trong phân khúc, anh chưa đạt đến tiêu chuẩn của một ca sĩ chuyên giọng (vocalist) mảng pop, chưa kể các mảng có yêu cầu cao hơn như thính phòng. Vì vậy, những gì mà 8X và ê-kíp đang cố quảng bá là "chiếc áo quá rộng".
Từ những chương trình biểu diễn gần nhất, Cao Thái Sơn cho thấy cần luyện thêm phần kỹ thuật căn bản như cột hơi, cộng hưởng, giọng óc... thay vì "chưa tập đi đã học chạy" bằng cách tập những kỹ thuật hoa mỹ như giọng sáo.
Theo giáo viên thanh nhạc Thái Duy Đỉnh, tập hát nốt cao tốt nhưng quan trọng nhất vẫn là sự kết nối và phục vụ tinh thần khán giả thông qua bài hát. Giá trị về giai điệu, câu chuyện và lời hát cần được thể hiện trọn vẹn nhất đến công chúng.
"Không phải khán giả nào cũng thích nghe nốt quá cao, cái gì quá đều không tốt. Riêng với Cao Thái Sơn, tôi tin anh ấy biết xử lý sao cho chuyên nghiệp, truyền cảm và sử dụng nốt cao hợp lý để tạo điểm nhấn cho bài hát với kinh nghiệm 20 năm làm nghề", anh Thái Duy Đỉnh cho hay.
Giáo viên này nói thêm nên nhìn nhận Cao Thái Sơn ở góc độ đang hết mình thể hiện nhằm phục vụ khán giả cũng như cố gắng nâng cấp bản thân hơn là phán xét khắt khe.
Bên cạnh đó, công chúng và giới chuyên môn luôn ghi nhận sự nỗ lực của nghệ sĩ, điển hình là trường hợp của ca sĩ Hồ Ngọc Hà.
Từng gây tranh cãi về giọng hát trong nhiều năm đầu sự nghiệp, chị âm thầm tập luyện, cải thiện kỹ thuật thanh nhạc suốt thời gian dài. Khác với Cao Thái Sơn nóng vội quảng bá, nữ ca sĩ để việc được giới chuyên môn công nhận diễn ra tự nhiên, từ đó công chúng có cái nhìn khác về mình. Hiện tại, gần như dư luận không còn tranh cãi về giọng hát Hồ Ngọc Hà.